Ngay từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã nỗ lực để tìm kiếm nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, một cái tên đã được thông dụng từ lâu nhưng nhiều người không biết nghĩa. Địa danh Sài Gòn là một phần linh hồn đã theo con người đến ngày nay mà ít ai hiểu rõ về nó.
#Giải mã địa danh Sài Gòn
Vào cuối thế kỷ 19, Sài Gòn được xem như một thành phố. Năm 1863, chính quyền lập thành phố Sài Gòn và hạt Sài Gòn; năm 1889 đổi hạt Sài Gòn thành tỉnh Gia Định. Năm 1910, thành phố Sài Gòn rộng hơn 11 km2.
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tìm hiểu về địa danh Sài Gòn – thành phố mà họ muốn biến thành Hòn Ngọc Viễn Đông. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có năm cách lý giải, bao gồm: Thầy Gòn; Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây Cống; Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor, Cai Ngon; Glainagara; Prey Nokor hay Brai Nagara.
Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho rằng nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer.
Còn theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ thấy đây là nơi ăn nên làm ra cần được củng cố bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn. Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra.
#Một số địa danh Sài Gòn
##ĐaKao
Đakao là địa giới hành chính thuộc quận 1, thuộc trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi Đakao bắt nguồn từ Đất Hộ được phiên âm ra tiếng Pháp là Đakao được phổ biến từ những năm 50 của thế kỷ XX.
Cứ thế qua bao năm tháng và trải qua những biến cố lịch sử, Đakao vẫn là tên gọi gắn liền với Sài thành hoa lệ, cùng với mảnh đất này “thay da đổi thịt”, hội nhập và phát triển từng ngày.
##Bến Nghé
Bến Nghé từng là tên của một bến nước ở Sài Gòn xưa, là tên gọi của một dòng sông, rạch nước nhỏ và là tên goi của một địa phận hành chính thuộc quận 1. Tuy có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nguồn gốc Bến Nghé đều gắn liền với con trâu. Nguyễn Văn Siêu từng giải thích tên này do tương truyền dòng sông này luôn văng vẳng tiếng kêu gầm như trâu rống của những đàn cá sấu, nên được gọi là “nghé” kết hợp với “bến nước”.
Song song đó, học giả Trương Vĩnh Ký lý giải rằng Bến Nghé bắt nguồn từ tiếng Khmer và nhà địa danh Lê Trung Hoa thì cho rằng đó là tên gọi của bến nước kết hợp với tên thú.
##Thị Nghè
Thị Nghè không chỉ là một tên gọi quen thuộc gắn liền một khu vực nối liền quận 1 và quận Bình Thạnh mà nó còn là tên của dòng kênh, cây cầu, khu chợ trong khu vực ấy. Hầu như người dân ở trung tâm phố thị Sài thành ai ai cũng từng được nghe nhắc về khu Thị Nghè, nhưng không nhiều người biết rõ tên gọi này.
Trong “Gia Định thành thông chí” – năm 1820 thì Thị Nghè là tên gọi dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – người đã có công khai hoang đất và bắc cầu đi lại qua sông cho dân chúng. Khu vực Thị Nghè đang phát triển từng ngày, hòa nhập vào cuộc sống văn minh, hiện đại của Sài Gòn hoa lệ, thế nhưng Thị Nghè vẫn sẽ luôn là vùng đất nhỏ gợi nhớ về những công lao to lớn của bà Nguyễn Thị Khánh trong những năm giữa thế kỷ XVIII.
##Thủ Thiêm
Ở Nam Bộ xưa khá phổ biến với tên gọi địa danh bắt đầu với từ “thủ” và được kết hợp với tên riêng của những người cai quản vùng đất đó hoặc những từ miêu tả địa danh đấy.
Vì thế, tên gọi Thủ Thiêm ở quận 2 cũng được kết hợp theo quy tắc ấy, Thủ Thiêm chính là tên gọi cho khu vực, địa phận hành chính và chức vụ chỉ huy đồn binh mà ông Thiêm làm chức thủ ngự, xuất hiện trong khoảng cuối thế kỷ XVIII.
##Kênh Tàu Hủ- Cầu Chà Và
Kênh Tàu Hủ được đào vào năm 1819, là dòng kênh huyết mạch của Sài Gòn xưa, có vị trí quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế, nối liền đường thủy từ đồng bằng sông Cửu Long đến phố thị Sài Gòn. Trước kia nó được gọi là Cổ Hủ vì dòng kênh này có đoạn phình ra rồi thắt lại như cổ hủ heo, cổ hủ dừa.
Kênh Tàu Hủ còn được học giả Trương Vĩnh Ký và nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của cho rằng tên gọi Tàu Hủ là do người Triều Châu phát âm thành Tàu Khậu sau đó trại âm thành Tàu Hủ.
##Lăng Ông – Bà Chiểu
Lăng Ông – Bà Chiểu là khu đền mộ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, được xây dựng vào năm 1948 nằm trên đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh. Mỗi khi nhắc đến Lăng Ông – Bà Chiểu, người ta vẫn thường nhầm lẫn đây là lăng thờ ông và bà tên Chiểu, thế nhưng bởi vì tục kiêng cữ tên nên khu đền thờ Lăng Ông được ghép với tên khu chợ Bà Chiểu nằm kế bên.
Với khuôn viên rộng lớn khoảng 1.85 ha, Lăng Ông – Bà Chiểu bao gồm 3 công trình chính: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Ngoài ra, Lăng Ông – Bà Chiểu cũng là nơi thờ cúng Thiếu phó Lê Chất, Kinh lược Phan Thanh Giản và các “Anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân”.
Qua rất nhiều thời gian, những tên gọi ấy đã có tuổi đời lên đến vài trăm năm, là một phần linh hồn của Sài Gòn xưa. Đây được xem là một bộ phận địa giới hành chính không thể tách rời của thành phố Hồ Chí Minh. Địa danh Sài Gòn gợi nhắc về những năm tháng trước, in đậm dấu ấn lịch sử nối liền với hiện tại của mảnh đất này.
Nguồn: Internet